Đường Xa Nghĩ Về Giáo Dục Việt Nam là sự tiếp nối của Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản (NXB Phụ nữ, 2017) và Đi tìm triết lí giáo dục Việt Nam (Eduking và NXB Tri thức, 2017). Cuốn sách nhỏ này là sự tập hợp những bài báo tôi công bố từ cuối năm 2017 tới nay. Có những bài được viết ra là để giải thích thêm hoặc trả lời các câu hỏi mà bạn đọc gửi đến sau khi họ đọc hai cuốn sách trên.
Trong khi quan sát hiện trạng giáo dục, lần tìm lại lịch sử nước nhà, so sánh với giáo dục Nhật Bản và tư duy về triết lý giáo dục, tôi đã nhìn nhận giáo dục như là một hoạt động rộng lớn với nhiều thực thể tham gia, được tiến hành trong cả ba không gian có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau: gia đình - nhà trường - xã hội. Từ việc phân tích các sự kiện giáo dục ở hiện tại, so sánh các sự kiện giáo dục trong lịch sử, tôi đưa ra những kiến giải và những tư tưởng của riêng mình.
Trong cuốn sách này, các bài viết sẽ được sắp xếp thành ba phần:
- Phần 1: Giáo viên, chương trình và sách giáo khoa
- Phần 2: Văn hóa trường học
- Phần 3: Giáo dục đời sống
Cách sắp xếp như trên chỉ có tính chất tương đối, chủ yếu để độc giả tiện theo dõi vì nhiều bài có nội dung chạm đến cả ba chủ thể, có thể xếp vào phần nào cũng được.
Sẽ có những độc giả khó tính nhận ra có sự rời rạc, thiếu liền mạch nhất quán trong kết cấu. Điều đó dễ hiểu vì mục tiêu ban đầu của tôi ban đầu khi viết không phải để in thành sách, nó đơn giản chỉ là những quan sát, suy ngẫm, ý tưởng về giáo dục tôi thu nhặt được trong quá trình hoạt động ở lĩnh vực văn hóa và giáo dục.
Lẽ tất nhiên, tôi không thể nào thỏa mãn với những kết quả nhỏ nhoi đó, sẽ có lúc tôi cần trình ra trước bạn đọc những chuyên khảo dày dặn và có hệ thống, ở đó mỗi một kết quả hay ý tưởng đã được công bố của tôi sẽ được đào sâu và xem xét từ nhiều khía cạnh. Để đi đến đó còn cả một quãng đường xa. Tôi tự biết bản thân phải tự nỗ lực không ngừng ở những việc nhỏ cần mẫn hàng ngày.
Dẫu vậy, bằng tấm lòng thành thực, tôi hi vọng cuốn sách nhỏ này sẽ giúp cho bạn đọc quan tâm tới giáo dục trên cả nước có thêm thông tin tham khảo để suy ngẫm về giáo dục nước nhà.
Cảm ơn Nhà xuất bản Tri thức và Công ty Cổ phần Sách và Công nghệ Giáo dục Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuốn sách tới tay bạn đọc.
Cảm ơn các biên tập viên đã cho tôi những lời khuyên có giá trị trong quá trình hoàn thiện bản thảo cuốn sách.
Và đặc biệt, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn đối với bạn đọc trong và ngoài nước đã ủng hộ các hoạt động văn hóa và giáo dục của tôi tỏng suốt thời gian qua.
Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2019
Nguyễn Quốc Vương