image description
99,000 đ
  • Tình trạng: Còn hàng

Mấy Vấn Đề Văn Học Sử Việt Nam

Tác giả: Trương Tửu Thêm đánh giá

Thông tin chi tiết

  • Loại bìa:Bìa mềm
  • Số trang:332 trang
  • Kích thước:13.5x20.5
  • Ngày xuất bản:
  • Nhà xuất bản:Nhà xuất bản Thế giới
  • Công ty phát hành:Công ty Cổ phần Sách và Công nghệ Giáo dục Việt Nam
  • Mã:9786047769001

GIỚI THIỆU SÁCH

Cuốn Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam được in lần đầu tại Nhà xuất bản Xây dựng (Hà Nội) năm 1958, 252 trang khổ 19cm. Đó là một thời điểm chứa nhiều sự kiện quan trọng không chỉ của Trương Tửu, tác giả cuốn sách vừa bước vào độ chín tuổi nghề, mà còn của xã hội, văn hóa, đời sống trí thức Việt Nam. 

Sau nhiều năm dạy học tại các lớp văn hóa Liên khu 4, năm 1954 khi hòa bình lập lại, Trương Tửu về Hà Nội, được bổ nhiệm Giáo sư tại trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội. Ở ngôi trường Sư phạm có nhiều đồng nghiệp danh tiếng này, Trương Tửu chuyên giảng dạy lí luận văn học và lịch sử văn học Việt Nam. Năm 1955, ông viết hai chuyên luận Chỉnh huấn là gì? và Văn hóa nô dịch của đế quốc Mỹ và phe lũ. Năm sau, 1956, Trương Tửu có mặt trong phái đoàn Giáo dục Đại học Việt Nam tham quan nghiệp vụ tại Trung Quốc. Cùng năm, Trương Tửu cho in công trình nhiều tâm huyết Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, một nỗ lực nghiên cứu sâu thêm, ngõ hầu vượt qua “những nhận định sai lầm cơ bản” như chính Trương Tửu tự cảm nhận trong hai chuyên khảo trước đó của mình là Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942), Văn chương Truyện Kiều (1945). 

Nhưng mối bận tâm về Kiều không làm Trương Tửu lãng đi những ưu tư đang ngày một nóng hổi của thời cuộc, nhất là khi giới văn nghệ sĩ và trí thức bắt đầu nhận thấy sự cần thiết phải đề đạt, bàn luận mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, giữa tự do sáng tạo và các thiết chế quản lí. Không chút đắn đo, Trương Tửu viết liền hai tiểu luận Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ (Giai phẩm Mùa thu, tập II, ra ngày 30/9/1956) và Văn nghệ và chính trị (Giai phẩm Mùa thu, tập III, ra ngày 30/10/1956) mà lời lẽ đau đáu, thẳng thắn dưới giọng điệu hùng biện mạnh mẽ đã gây ra cho ông nhiều hệ lụy về sau. Sang năm 1957, Trương Tửu tham gia Đại hội thành lập và là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Cuối năm đó, ông hoàn thành Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam. Và chỉ mấy tháng sau, cùng với các yếu nhân và mô hình hoạt động của Nhân văn - Giai phẩm bị kỉ luật, bị đẩy ra trước “tòa án dư luận”, Trương Tửu cũng bị buộc thôi dạy đại học, khai trừ khỏi Hội nhà văn.

Sự xác đáng đáng kể đầu tiên trong Mấy đề vấn đề văn học sử Việt Nam là việc chỉ ra “tính loại biệt của văn học”. Trương Tửu dường như được trở lại tâm thế nhà phê bình khi viết những trang thật bay bổng, những dẫn chứng thật hào hứng về “trí tưởng tượng thật mãnh liệt của nhà văn”, “thế giới hư ảo do trí tưởng tượng của nhà văn học sáng tạo ra”, về ngôn ngữ trong tay “một nhà văn thiên tài […] thật là huyền diệu”. Trương Tửu nhấn mạnh rằng nhà văn phản ánh hiện thực bằng “hình tượng”, “bằng cách hư cấu” nên nhiệm vụ của nhà phê bình và người làm văn học sử là “căn cứ vào những hình tượng văn học trong tác phẩm nhận định thật đúng chân tướng ý thức và cá tính độc đáo của từng nhà sáng tạo văn học”. Bởi hiểu vai trò cá tính, ngôn ngữ, bút pháp trong sáng tạo văn chương nên Trương Tửu khuyến nghị người làm văn học sử cần tránh những tổng luận đại khái không bắt đúng “thần thái đặc biệt của mỗi nhà văn”. Đây là lí do khiến Trương Tửu mở rộng quan sát diễn biến văn học ở nhiều phương diện, có phương diện thuộc kinh tế-xã hội nhưng cũng có phương diện thuộc thái độ, tâm lí nhà văn, thuộc về công chúng văn chương. Nhìn chung, cách làm như vậy sẽ thu được nhiều dữ liệu và ngay cả các nghiên cứu văn học sử ở Việt Nam hiện nay vẫn thường xuất phát từ khảo sát bối cảnh văn hóa, xã hội.

Điểm khả thủ thứ hai, cuốn Mấy đề vấn đề văn học sử Việt Nam đã tạo được một sơ đồ phác thảo văn học sử tương đối dễ nắm bắt. Sơ đồ đó đề ra hai vấn đề lớn: Thứ nhất, đời sống văn học (trong đó quan trọng là các thể loại và tác giả, tác phẩm văn học); thứ hai, các bộ phận hợp thành (văn học dân gian, “văn học Hán Việt”, văn học cổ điển, văn học cận đại và văn học hiện đại). Có thể xem đây là các chỉ dẫn có mức độ tham khảo nhất định.

Mấy đề vấn đề văn học sử Việt Nam khép lại một chặng đường nhận thức và triển khai công việc khảo cứu, biên soạn lịch sử văn học dân tộc của giới nghiên cứu. Trước Trương Tửu thì Dương Quảng Hàm đã viết Quốc văn trích diễm (1925) và Việt Nam văn học sử yếu (1943), Nguyễn Đổng Chi viết Việt Nam cổ văn học sử (1942), Nghiêm Toản viết Việt Nam văn học sử trích yếu (1949), Nguyễn Tường Phượng và Bùi Hữu Sủng viết Văn học sử Việt Nam thế kỉ XIX (1952), nhóm Lê Quý Đôn viết Lược sử văn học Việt Nam (1957). Trương Tửu kế thừa nhưng cũng phản biện thẳng thắn sản phẩm của người đi trước và nhờ thế, cuốn sách của ông mang âm hưởng đối thoại xung quanh các điển phạm văn chương đã xác lập. Trách nhiệm hoàn thiện bức tranh văn học sử không đặt lên vai Trương Tửu song ông cũng sốt ruột tìm một đáp án mỹ mãn. Như vậy, có thể nói quá trình viết văn học sử luôn song hành với con đường ôn cố tri tân, với tinh thần tự tôn dân tộc. Câu hỏi văn học sử Việt Nam có những gì dĩ nhiên hàm chứa băn khoăn dân tộc Việt Nam đã kiến tạo nền văn hóa, văn hiến ra sao.